Đã từ rất lâu, mọi người nhắc nhở nhau cẩn thận trong tháng củ mật. Dù đã trở thành thói quen nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là tháng củ mật và tại sao lại thường xảy ra những điều đen đủi. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ về tháng củ mật và những điều nên làm giúp bản thân may mắn, tránh xui rủi trong tháng này.
1. Tháng củ mật là tháng mấy?
Tháng củ mật nghĩa là tháng Chạp (tháng 12 âm lịch). Nói cách khác, đây là tháng trước tháng Tết.
Thực tế, không có tên loại củ nào là “củ mật”. Chính xác đây là một từ Hán Việt mang nghĩa kiểm soát cẩn thận. Theo đó, “củ” nghĩa là kiểm soát, xem xét; “mật” là kín, khít tức là không để lộ ra hay thất thoát điều gì đó. Vậy vì sao tháng Chạp hay tháng 12 âm lịch lại được gọi là tháng củ mật?
Tháng cuối năm là thời điểm thường xảy ra các vụ mất trộm nhất bởi khi Tết sắp đến, mọi người đều bận rộn với việc bán buôn rồi mua sắm, sửa soạn đón Tết. Điều này khiến tất cả mệt mỏi và lơ là cảnh giác, tạo điều kiện cho kẻ xấu tăng cường hoạt động để kiếm tiền tiêu. Chính vì vậy, người xưa gọi tháng củ mật để nhắc nhở nhau cẩn tắc, đề phòng sai sót.
Thêm một ý nghĩa nữa khi dùng “củ mật” là nhắc nhở cẩn thận củi lửa. Thời tiết hanh khô dịp cận Tết cùng với tiệc tùng cuối năm nhiều dễ say sưa lơ là rất dễ dẫn đến hỏa hoạn mà cháy nhà cửa.
Ngoài ra, theo tâm linh của người Việt Nam, tháng củ mật còn muốn nói đến những điều không may, hạn xui xẻo trong những tháng cuối năm. Trong xã hội hiện đại, đó là tai nạn giao thông, ngộ độc, đột quỵ,… hệ quả của sự kém tỉnh táo do tham gia tiệc tất niên hay bận rộn với quá nhiều việc phải lo.
Tháng củ mật chính là tháng 12 (Tháng Chạp) – tháng cuối cùng của năm.
2. Điều gì thường xảy ra vào tháng củ mật?
Tháng củ mật vẫn được coi là thời điểm kẻ xấu lợi dụng sơ hở của mọi người để hoành hành. Đây cũng là tháng hay bị “tai bay vạ gió”, hao người tốn của với những lý do khác nhau.
Dễ mất của
Những ngày giáp Tết, ai ai cũng hối hả, bận rộn với đủ thứ việc công, việc tư. Từ lo lắng mua sắm, sửa sang nhà cửa đến tổ chức hội nghị tổng kết, liên hoan… Đồng thời, đây cũng là lúc phải di chuyển rất nhiều, thức khuya dậy sớm nên chúng ta thường rơi vào tình trạng mệt mỏi, dễ lơ là cảnh giác.
Sau một ngày bận rộn, nhiều người chỉ muốn nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật say để lấy lại tinh thần. Vì thế, mọi thứ xung quanh đều bị bỏ quên, đồ đạc chẳng thu dọn, thậm chí quên cả khóa cổng, khóa cửa. Sự sơ hở ấy chẳng khác nào mời trộm vào nhà thực hiện hành vi trộm cắp để chúng cũng có một cái tết ấm no.
Đen đủi
Cứ đời trước truyền đời sau rằng tháng củ mật thường rất xui xẻo với đủ thứ chuyện “trên trời rơi xuống”. Thật ra điều này không khó lý giải. Trước tiên, tháng cận Tết nhu cầu đi lại nhiều hơn bất cứ lúc nào. Mật độ giao thông lớn, thời tiết mùa này lại hay mưa lạnh làm tăng nguy cơ rủi ro với tai nạn, hỏng xe.
Tiếp đó là vì quá bận giải quyết việc chung, việc riêng nên ăn uống thất thường dễ gây đau bụng hay các bệnh về đường tiêu hóa. Thêm nữa là thời tiết mưa phùn gió bấc, có những ngày rét đậm rét hại, nhiều người đặc biệt là người già và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh, lại tốn tiền vào viện. Chính những yếu tố đó khiến mọi người cảm thấy cứ tháng 12 âm lịch là quá nhiều điều đen đủi ập đến, “củ mật” hiện hữu.
Tháng Củ Mật thường xảy ra những gì ?
3. Nên làm gì để gặp may mắn vào tháng củ mật?
Tháng củ mật có thực sự đáng sợ đến vậy không? Đừng quá đặt nặng tâm lý về vấn đề này mà hãy chú ý những điều sau để tránh vận hạn xui rủi, cả tháng được bình an:
Hiểu rõ tháng củ mật
Trước hết, cần hiểu rằng tháng củ mật chỉ là cách người xưa đặt tên để nhắc nhở con cháu cẩn thận hơn. Vì thế, để tránh mất mát, mọi người nên đề cao tinh thần cảnh giác hơn. Trước khi đi ngủ, đừng quên kiểm tra cửa nẻo đã khóa kỹ chưa. Khi đến những nơi đông người, không mang tài sản có giá trị lớn, chú ý tư trang cá nhân như ví tiền, điện thoại…
Tránh để đồ đạc ở những nơi dễ thấy và dễ lấy
Cuối năm là dịp mọi người thường đi mua sắm, thăm hỏi nhiều nên đặc biệt chú ý đến túi xách, xe máy,… Túi xách, balo luôn luôn mang theo bên người hoặc gửi ở tủ bảo hiểm. Xe cộ phải gửi người trông, khóa cổ cẩn thận, nhớ rút chìa khóa. Lắp thêm hệ thống báo động chống trộm cũng là một ý không tồi để tránh kẻ xấu lợi dụng cơ hội trộm cắp.
Có kiêng có lành
Các cụ đã có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Giải pháp tâm linh cũng là điều tốt chúng ta có thể áp dụng. Cụ thể, mọi người nên tránh những ngày Tam nương như mồng 3, 5, 7, 13, 18, 22, 27 là những ngày dân gian cho là xấu. Dù chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định vấn đề này nhưng theo tín ngưỡng dân gian từ ngàn đời của người Việt chúng ta cũng không có gì là xấu
Trên đây là những thông tin để giúp hiểu rõ hơn về tháng củ mật. Qua đó mong sẽ giúp bạn có thêm kiến thức, vốn sống phong phú để biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân, cho tài sản và tránh được vận hạn.